Các loại nồi cơm điện phổ biến trong gia đình hiện nay
Nồi cơm điện là một thiết bị nấu nướng không còn xa lạ với các gia đình Việt. Tuy nhiên, bạn đã nắm rõ tất cả các loại nồi cơm điện phổ biến hiện nay hay chưa? Hãy cùng Chọn Chuẩn điểm qua các loại nồi cơm cắm điện đang được sử dụng nhiều nhất để xem loại nào phù hợp với nhu cầu của bạn và gia đình nhé.
Nồi cơm điện gia đình hiện nay có mấy loại?
Hiện nay, nồi nấu cơm chạy điện có rất nhiều mẫu mã đa dạng để phục vụ nhiều nhu cầu nấu cơm. Nhưng về cơ bản, có 5 loại nồi chính là nồi cơm nắp gài, nồi cơm nắp rời, nồi cơm điện tử, nồi cao tần, và nồi tách đường. Dưới đây là đặc điểm đặc trưng của từng loại sản phẩm.
Nồi cơm điện nắp gài
Nồi điện nắp gài là loại nồi có phần nắp được gắn liền (hay được gài) với phần thân nồi bằng chốt khoá, bản lề. Loại nồi này giúp hạn chế thất thoát nhiệt lượng ra xung quanh nên cơm sẽ được giữ ấm lâu hơn.
Nồi này khá phổ biến trong các gia đình, và phục vụ 2 mục đích cơ bản là nấu cơm và hâm nóng thức ăn. Lòng nồi được làm bằng hợp kim nhôm phủ chống dính, giúp nấu cơm an toàn, dễ dàng chùi rửa.
Ưu điểm
- Giữ nhiệt tốt hơn loại nồi nắp rời
- Cơm chín đều và mềm dẻo hơn nồi nắp rời
- Nhiều mẫu mã, giá thành bình dân
Nhược điểm
- Không có nồi dung tích lớn (trung bình tầm 0.6 – 3 lít)
- Chỉ đảm nhiệm chức năng nấu cơm và hâm nóng cơ bản
Nồi cơm điện nắp rời
Nồi cơm chạy điện nắp rời có phần nắp được gắn độc lập với phần thân nồi nên có thể tháo nắp này ra để vệ sinh sau khi sử dụng được dễ dàng. Tuy nhiên, nồi giữ ấm kém hơn loại nắp gài tầm 2-3 tiếng.
Phần ruột nồi được làm bằng inox và có chống dính nên còn được gọi là nồi điện nắp rời chống dính. Phần nắp nồi làm bằng kính chịu nhiệt nên bạn có thể dễ dàng quan sát tình trạng cơm đang nấu bên trong. Cũng tương tự như loại nắp gài, loại nồi nắp rời này có thể đảm nhiệm chức năng nấu cơm. Ngoài ra, nhiều model nồi còn đi kèm xửng hấp nhựa giúp bạn hâm nóng thức ăn dễ dàng.
Ưu điểm
- Dễ vệ sinh
- Nấu cơm nhanh
- Đa dạng dung tích
- Giá thành rẻ, nhiều mẫu mã lựa chọn
Nhược điểm
- Nếu cháo dễ bị sôi trào
- Khả năng giữ ấm kém, cơm mau hỏng hoặc giảm chất lượng
- Cần chủ động căn chỉnh lượng nước cho phù hợp với từng loại gạo
Nồi cơm điện tử
Nồi nấu cơm điện tử là một thiết bị hiện đại với mức giá cao hơn 2 loại nồi kể trên. Nồi sử dụng các vi mạch điện tử và màn hình hiển thị LED để hiển thị các chế độ nấu nướng. Ngoài cơm, bạn có thể nấu các món ăn khác như súp, canh, nấu cháo, làm bánh, làm sữa chua… dễ dàng thông qua bảng điều khiển dạng nút bấm hoặc cảm ứng. Các tính năng này đều được cài đặt mặc định sẵn về thời gian và nhiệt độ nên bạn yên tâm là món ăn nấu ra bao giờ cũng thơm ngon và chín đúng độ.
Về mặt công nghệ, nồi điện tử hiện nay được trang bị những công nghệ nấu D1, D2, D3. Một số mẫu mới cao cấp còn được trang bị công nghệ nấu Fuzzy Logic, sử dụng bộ vi xử lý để điều chỉnh tự động nhiệt độ nấu cho phù hợp với từng loại gạo, lượng gạo, lượng nước trong nồi.
Nồi nấu cơm điện tử có dung tích từ 1 đến 1,8 lít, và thích hợp sử dụng để chuẩn bị cơm cho gia đình từ 2 đến 6 người.
Ưu điểm
- Cơm ngon vượt trội hơn so với nồi cơ
- Giữ ấm tốt, cơm lâu hư
- Nhiều chức năng nấu tự động tiện lợi
Nhược điểm
- Nấu cơm lâu
- Giá thành cao
- Không có nồi dung tích lớn (trung bình từ 1 – 1,8 lít)
Xem chi tiết: Nồi cơm điện tử loại nào tốt nhất hiện nay?
Nồi nấu cơm điện cao tần
Trông có vẻ tương tự như nồi điện tử, nồi cơm điện cao tần sử dụng công nghệ cảm ứng từ đun nấu không tiếp xúc (Induction Heating, được hiển thị với tên viết tắt trên thân nồi là IH). Công nghệ này giúp làm nóng trực tiếp nồi cơm từ mọi hướng chứ không qua mâm nhiệt nên cơm nấu ra luôn thơm ngon, chín đều, bảo toàn dưỡng chất.
Không những vậy, nồi cao tần còn có thể giữ ấm cơm đến 24 giờ sau khi nấu mà không làm giảm chất lượng của cơm. Nồi có thể nấu được nhiều loại gạo như gạo trắng, gạo lức, gạo trộn, nấu cơm mềm, nấu cơm cứng, nấu cơm sushi, nấu cháo… Nồi được trang bị màn hình LED lớn hiển thị chế độ nấu và thời gian nấu.
Tuy nhiên, loại nồi này có mức giá hơi cao nên chưa thực sự phổ biến với phần đông các gia đình Việt cho lắm.
Ưu điểm
- Cơm nấu ngon và chín đều, không phải tự căn nước
- Thời gian giữ ấm lâu, cơm giữ nguyên hương vị và dinh dưỡng
- Nhiều chức năng nấu
Nhược điểm
- Giá thành cao
- Bảng điều khiển thường không có tiếng Việt, khó sử dụng
- Không có nồi dung tích lớn, chủ yếu phục vụ từ 2-6 người
Nồi cơm tách đường
Nồi cơm tách đường có nguyên lý hoạt động khá đặc biệt hơn so với những loại nồi khác có trong danh sách này. Nồi dành riêng cho những người mắc bệnh tiểu đường, ăn kiêng, thừa cân béo phì muốn cắt giảm năng lượng trong bữa ăn mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng.
Chiếc nồi này sử dụng công nghệ nấu 1D gia nhiệt nhanh, và hoạt động dựa trên cơ chế tách phân tử tinh bột có trong hạt gạo. Cụ thể, các phân tử tinh bột sẽ bị đẩy ra ngoài và hoà vào trong nước trong quá trình nấu, chỉ để lại các tinh bột hấp thụ chậm cùng các dưỡng chất quý giá có trong hạt gạo.
Loại nồi này có thể hỗ trợ tách từ 20-30% đường trong hạt gạo, chứ không thể tách được 100% lượng đường ra bên ngoài. Nên nếu sử dụng, bạn cũng nên hạn chế lượng cơm nạp vào để đảm bảo sức khỏe.
Bên cạnh tính năng nấu cơm, nồi còn bao gồm 9 chế độ nấu nướng như hầm thịt, nấu cơm thường, nấu cơm nhanh, hấp, chiên, làm bánh, ủ sữa chua, hâm nóng…
Ưu điểm
- Phù hợp cho người bị tiểu đường, béo phì, người muốn giảm cân
- Có thể nấu nhiều món khác ngoài cơm tách đường
Nhược điểm
- Không tách được 100% đường có trong gạo
- Ít mẫu mã
Tổng hợp những điểm khác biệt giữa các loại nồi nấu cơm bằng điện trong gia đình
Tiêu chí | Nồi cơm điện nắp gài | Nồi cơm điện nắp rời | Nồi cơm điện tử | Nồi cơm điện cao tần | Nồi cơm điện tách đường |
---|---|---|---|---|---|
Cơ chế hoạt động | Đun nóng bằng mâm nhiệt | Đun nóng bằng mâm nhiệt | Đun nóng bằng mâm nhiệt. Dùng vi mạch điện tử để điều khiển nhiệt độ, thời gian nấu, chế độ nấu | Đun nóng trực tiếp bằng cảm ứng từ | Gia nhiệt nhanh, tách phân tử tinh bột trong hạt gạo |
Công suất | 500-800W | 400-800W | 600-1300W | 1000-1400W | 800-1200W |
Thời gian nấu cơm | 25-30 phút | 20-25 phút | 35-50 phút | 40-60 phút | 35-50 phút |
Thời gian giữ ấm cơm | 4-6 tiếng (cắm điện), 1 tiếng (không cắm điện) | 6 tiếng (cắm điện), 1-2 tiếng (không cắm điện) | 6-20 tiếng (cắm điện, tuỳ mẫu), 3-4 tiếng (không cắm điện) | 12-24 tiếng (cắm điện, tuỳ mẫu), 4-5 tiếng (không cắm điện) | Tương tự nồi điện tử |
Số mâm nhiệt | 1-3 mâm nhiệt | 1 mâm nhiệt | Phần lớn là 3 mâm nhiệt | Không có mâm nhiệt | 1 mâm nhiệt |
Cấu tạo, chất liệu lòng nồi | Nắp liền thân có khoá, lòng nồi hợp kim nhôm | Nắp rời bằng inox/kính, lòng nồi hợp kim nhôm | Nắp liền thân, lòng nồi hợp kim nhôm tráng men. Các vi mạch điện tử & màn hình LED | Tương tự nồi điện tử | Tương tự nồi điện tử |
Công nghệ nấu | 1D, 2D, 3D | 1D | 1D, 2D, 3D, Fuzzy Logic | Induction Heating | 1D |
Bảng điều khiển | Cơ | Cơ | Nút nhấn điện tử hoặc cảm ứng | Nút nhấn điện tử hoặc cảm ứng | Nút nhấn điện tử hoặc cảm ứng |
Tiện ích mở rộng | Không | Không | Hẹn giờ | Hẹn giờ | Hẹn giờ |
Giá thành | 370,000 - 4,200,000 đồng | 250,000 - 950,000 đồng | 950,000 - 6,200,000 đồng | 2,000,000 - 26,000,000 đồng | 1,500,000 - 2,000,000 đồng |
Kết luận
Hy vọng những thông tin trên đây về các loại nồi cơm điện đã giúp bạn có thêm thông tin hữu ích để chọn ra một sản phẩm phù hợp với gia đình mình. Nhìn chung, nếu bạn chỉ cần một sản phẩm phục vụ nhu cầu nấu cơm cơ bản thì nồi cơm cơ dạng nắp gài hoặc nắp rời là phù hợp nhất mà mức giá lại phải chăng. Còn nếu mong muốn nhiều tính năng mở rộng hơn, bạn có thể tham khảo các loại nồi còn lại có trong danh sách này. Hoặc, bạn cũng có thể xem các mẫu nồi cơm điện bán chạy nhất hiện nay mà Chọn Chuẩn đã từng đề cập trước đây.