Hăm tã ở trẻ sơ sinh: nguyên nhân, cách xử lý, phòng tránh

Làn da trẻ sơ sinh rất mỏng manh, dễ bị tấn công bởi các yếu tố từ môi trường như độ ẩm, vi khuẩn, virus, các vi sinh vật có hại… Hăm tã ở trẻ sơ sinh là một hiện tượng khá thường gặp, đặc biệt là khi trẻ đóng bỉm. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến chứng hăm tã, làm sao để xử lý và phòng tránh hiện tượng này? Hãy cùng Chọn Chuẩn xem câu trả lời trong bài viết sau nhé!

Hăm tã ở trẻ sơ sinh là gì?

Hăm tã (hay viêm da tã lót) là tình trạng làn da xung quanh khu vực mặc bỉm của trẻ bị mẩn đỏ, sần lên, thậm chí là lở loét. Đây là tình trạng viêm da hay gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Khi trẻ bị hăm tã, da của trẻ sẽ bị đỏ lên ở các vùng như đùi, mông, bẹn, bộ phận sinh dục, kèm theo những phản ứng khác như trẻ quấy khóc, khó ngủ, bỏ ăn… Trẻ có thể bị ban đỏ có bong vảy da nhẹ ở vùng da mặc bỉm. Nếu bị nặng, ở khu vực này có thể xuất hiện mụn nước, trớt da, mụn mủ, loét da. Các tổng thương da vệ tinh này có thể là biểu hiện của chứng nấm da.

hăm tã ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là gì
Hăm tã hay xuất hiện ở trẻ nhỏ

Có đến 5 cấp độ hăm tã ở trẻ sơ sinh, từ Nhẹ – Nhẹ vừa – Trung bình – Chớm nghiêm trọng – Nghiêm trọng. Trong đó, ở cấp độ 5, làn da của trẻ đã bắt đầu tình trạng lở loét và gây đau, khó chịu cho trẻ (VD: trẻ sơ sinh bị hăm đỏ hậu môn).

Trẻ sơ sinh là đối tượng dễ bị hăm tã nhất do làn da mỏng manh, mới chớm tiếp xúc với môi trường phức tạp. Tuy nhiên, trẻ lớn hơn cũng có thể bị mắc phải chứng này, nhất là ở trẻ thường xuyên mặc bỉm.

Trẻ nghi bị hăm tã cần được xử lý sớm, hoặc tham khám của bác sỹ da liễu để chẩn đoán bệnh. Vì chứng hăm tã này có thể bị nhầm sang các chứng bệnh tương  tự như viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da thiếu kẽm, bệnh ghẻ…

Nguyên nhân dẫn đến hăm tã

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng hăm tã ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Một vài trong số đó là:

Nguyên nhân từ cơ địa trẻ:

  • Do kích ứng da: đây là nguyên nhân phổ biến nhất. Da bé bị kích ứng khi tiếp xúc với phân và nước tiểu trong nhiều giờ (do bé đóng bỉm lâu không thay). Kích ứng cũng có thể do bé mẫn cảm với các thành phần sản xuất nên loại tã lót hay bỉm đó, hoặc bé sử dụng bỉm giả, bỉm chất lượng kém.
  • Do dị ứng: bé bị dị ứng với các loại hoá mỹ phẩm như khăn ướt, kem hăm, xà phòng rửa hoặc loại tã bỉm đó. Các hoá chất tạo mùi thơm cho tã bỉm, khăn ướt, kem hăm cũng dễ làm da trẻ bị mẩn đỏ. Một số chất như propylene glycol có trong giấy ướt cũng là nguyên nhân gây kích ứng da và lây lan vi khuẩn nhanh hơn.
  • Do da bé quá nhạy cảm: một số trẻ có làn da khá mỏng và nhạy cảm với bất kỳ sự tiếp xúc nào.
  • Do thiếu dinh dưỡng: tình trạng thiếu hụt các vi chất như kẽm hay biotin cũng có thể dẫn đến chứng hăm tã.

Nguyên nhân do tã bỉm:

  • Do bỉm không mềm: bỉm có bề mặt thô ráp, chà xát lên vùng da nhạy cảm của bé cũng khiến vùng da này bị mẩn đỏ lên. 
  • Do bỉm giả, bỉm chất lượng kém: bỉm không chính hãng hay bỉm gia công không đảm bảo cũng dễ khiến da trẻ bị phản ứng. 
  • Do đóng bỉm quá thường xuyên, ít thay bỉm: phân và nước tiểu là môi trường lý tưởng cho các vi sinh vật có hại hoạt động. Nếu mẹ đóng bỉm cho bé cả ngày hoặc ít thay bỉm sẽ làm da bé dễ bị tổn thương, hăm đỏ.

Nguyên nhân do môi trường: 

  • Do vi sinh vật có trong môi trường: như nấm hay vi khuẩn. Các vi sinh vật ký sinh trên da tuy không nguy hại, nhưng khi gặp môi trường bẩn (phân, nước tiểu) hay da ẩm thì chúng dễ phát triển và gây bệnh trên da, làm nổi các mụn nhỏ rất ngứa và rát. 
  • Do nguồn nước bị ô nhiễm: nguồn nước lau rửa cho trẻ không sạch cũng dẫn đến chứng hăm tã. Trẻ tham gia các hoạt động giải trí dưới nước (tắm biển, chơi ở công viên nước, bể bơi) cũng dễ khiến trẻ bị hăm tã.

Theo trang Mayo Clinic, trẻ sẽ dễ có nguy cơ bị mắc chứng hăm tã hơn khi:

  • Trẻ trong độ tuổi từ 9-12 tháng tuổi
  • Trẻ đi ngủ mà bỉm bị dính phân trong cả giấc ngủ, không được thay
  • Trẻ bị tiêu chảy cũng có thể dễ bị hăm 
  • Trẻ bắt đầu ăn dặm
  • Trẻ đang uống kháng sinh, hay trẻ bú mẹ mà mẹ đang sử dụng kháng sinh

Đôi khi, chứng hăm tã ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được hình thành nên do tổng hợp của nhiều nguyên nhân. Để biết rõ trẻ bị hăm do vấn đề gì, mẹ nên thay đổi từng yếu tố và theo dõi phản ứng trên da của trẻ. 

Ảnh hưởng của hăm tã lên trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ

Những tưởng chỉ là kích ứng da thông thường, chứng hăm tã ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể để lại những hậu quả nặng nề nếu không được phát hiện, điều trị sớm. 

hăm tã ở trẻ sơ sinh
Hăm tã gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ sinh sản của bé
  • Dễ bị các bệnh nhiễm trùng da: tính chất ẩm ướt và bẩn kèm các vết thương hở ở các vùng hăm tã là yếu tố thuận lợi để các vi khuẩn tấn công, gây hại và gây ra chứng nhiễm trùng da. Một số bệnh về nhiễm trùng là nhiễm khuẩn, nấm candida, virus và ký sinh trùng.
  • Ảnh hưởng đến giấc ngủ và sự phát triển thể chất của trẻ: trẻ bị hăm hay thấy khó chịu, ngứa ngáy nên khó ngủ, ngủ không sâu giấc, hay quấy khóc. Ngoài ra, vùng da ngứa đỏ còn làm giảm cảm giác ngon miệng. Trẻ ăn không ngon, ngủ không yên lâu ngày sẽ bị sụt cân, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến phát triển thể chất. 
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: hăm tã có thể khiến vi khuẩn đi ngược dòng vào đường tiết niệu, làm bé bị ngứa ngáy, tiểu buốt, tiểu dắt.
  • Ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản sau này: ngoài các bệnh tiết niệu, chứng hăm tã lâu ngày không dứt điểm sẽ làm tích tụ vi khuẩn, làm tổn thương khu vực bộ phận sinh dục của trẻ, từ đó gây ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản khi trẻ đến tuổi dậy thì. Tuy không thấy hậu quả trước mắt, những nguy cơ này sẽ thể hiện khi trẻ lớn hơn. Chẳng hạn, bé gái dễ bị viêm âm đạo, còn bé trai dễ bị viêm tinh hoàn, viêm hạch bẹn.

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị hăm đỏ 

Dưới đây là một số liệu pháp chăm sóc trẻ sơ sinh bị hăm tã.

Sử dụng kem trị hăm

Kem trị hăm là một trong những lựa chọn an toàn và phù hợp cho trẻ khi bị hăm tã. Thường thì các loại kem này có chứa kẽm (zinc dioxit) hay chất kháng nấm, phù hợp để ngăn chặn vi khuẩn phát tán và làm khô se vùng da bị tổn thương. 

Sau khi vệ sinh và làm khô thoáng vùng da bị hăm, mẹ bôi một lớp mỏng kem trị hăm lên vùng da này và đóng bỉm.

Một số lựa chọn kem trị hăm cho bé:

Kem hăm Sudocrem
Kem hăm Bepanthen
Kem hăm Mustela hữu cơ (có thể dùng làm kem ngừa hăm)

Các loại kem trị hăm chỉ nên sử dụng khi bé bị hăm, khi hết hăm mẹ cần ngưng sử dụng. Ngoài ra, mẹ lưu ý không sử dụng thuốc điều trị nấm men cho người lớn để điều trị cho bé. Mẹ nên tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi cho bé sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.

Lá trà xanh

Lá trà xanh có đặc tính kháng viêm, có thể sử dụng để điều trị hăm tã hay các bệnh về da ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.

Mẹ đun nước lá trà xanh và pha loãng để rửa mông hoặc tắm cho bé hàng ngày. Nên sử dụng lá trà xanh sạch nhà trồng hoặc từ các cửa hàng bán thực phẩm sạch, vì trà xanh hiện nay dễ bị phun thuốc trừ sâu.

Dầu dừa

Dầu dừa là một loại dược liệu sẵn có tại Việt Nam, có thể sử dụng để trị hăm bởi nó có đặc tính kháng viêm, kháng nấm. Để điều trị hăm tã ở trẻ sơ sinh bằng dầu dừa, mẹ cần thoa một lớp mỏng dầu dừa lên vùng da bị hăm đỏ của bé để làm ẩm, làm mềm vùng da này.

Mẹ nên chọn dầu dừa ép lạnh nguyên chất để đảm bảo hiệu quả nhé.

Lá trầu không

Nếu không tìm được trà xanh, mẹ có thể sử dụng lá trầu không cũng có hiệu quả tương đương. 

Lá khế

Lá khế có đặc tính mát, kháng viêm nên có thể sử dụng để làm sạch da cho bé, nhất là da trẻ sơ sinh còn sót nhiều bẩn từ nhau thai. Mẹ hoà loãng nước lá khế vào làm nước tắm hàng ngày cho bé, sử dụng vài ngày cho đến khi da bé se lại, không còn mẩn đỏ nữa. 

Lô hội

Lô hội có đặc tính chống viêm và giàu vitamin E nên có thể hỗ trợ điều trị hăm tã cho bé khá hiệu quả. 

Mẹ lấy một lát mỏng lá lô hội tươi và thoa lên vùng da bị hăm, để khô rồi mặc bỉm cho bé. Mẹ nên dùng lá lô hội tự trồng, hoặc mua ở các địa chỉ bán đồ hữu cơ.

Một số lưu ý về điều trị hăm tã ở trẻ sơ sinh

  • Nếu sử dụng các phương án từ lá tự nhiên, mẹ nên chọn lá đảm bảo sạch, từ các địa chỉ uy tín để không làm ảnh hưởng đến vùng da mẫn cảm của bé.
  • Nếu bé bị hăm nặng, mẹ nên bỏ bỉm hoàn toàn và để da bé được thoáng sẽ nhanh khỏi hơn.
  • Nếu cần sử dụng thuốc trị hăm, mẹ cần thăm khám và hỏi ý kiến bác sỹ.
  • Tuyệt đối không thoa, sử dụng các loại kem hay thuốc đặc trị không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
  • Nếu tình trạng da bé không có cải thiện sau 5-7 ngày điều trị, có khuynh hướng lan rộng ra các vị trí khác, có kèm sốt hay tiêu chảy quá 48 giờ, mẹ cần thăm khám lại để có hướng điều trị thích hợp. Da có dấu hiệu nhiễm trùng (đóng vẩy, có dịch vàng, có mủ) cũng cần được thăm khám gấp.

Làm sao để phòng tránh chứng hăm tã ở trẻ?

Sử dụng bỉm phù hợp

Bỉm là sản phẩm sẽ tiếp xúc với da bé gần như cả ngày. Mẹ nên dựa vào cơ địa của bé và theo dõi bé để chọn ra loại bỉm phù hợp nhất với bé. 

sử dụng bỉm hữu cơ cho trẻ bị hăm tã
Các loại bỉm có nguồn gốc hữu cơ an toàn cho trẻ bị hăm tã

Ưu tiên bỉm mỏng

Vào mùa hè oi nóng, mẹ nên ưu tiên các dòng bỉm mỏng, nhẹ như Nabizam. Ngoài ra, bỉm nên có cấu tạo dễ thoát hơi ẩm như các lỗ nhỏ trên bề mặt để vùng da bên trong bỉm tránh bị hầm bí, khó chịu.

Sử dụng bỉm chính hãng

Như đã đề cập ở trên, bỉm giả là một trong những nguyên nhân dẫn đến hăm tã ở trẻ sơ sinh hay các bệnh lý sau này. Mẹ nên lựa chọn mua bỉm ở các địa chỉ tin cậy như cửa hàng chính hãng, chuỗi cửa hàng mẹ và bé uy tín… Tham khảo TOP bỉm tốt nhất được tin dùng cho trẻ sơ sinh.

Tham khảo bỉm hữu cơ

Bỉm có xuất xứ từ bông hữu cơ, không tẩy trắng là lựa chọn phù hợp nếu da bé quá nhạy cảm. Mẹ có thể tham khảo một số loại bỉm hữu cơ an toàn cho trẻ bị hăm tã:

Bỉm thỏ Momorabbit Hàn Quốc (có chia bỉm bé trai-bé gái)

Bỉm hữu cơ Mamogom Hàn Quốc không tẩy trắng

Sử dụng kem ngừa hăm tã cho trẻ sơ sinh

Nếu như kem trị hăm dùng để điều trị vùng da bị hăm, thì kem ngừa hăm tạo một lớp màng ngăn cách giữa da bé và bề mặt bỉm nên phòng tránh hăm hiệu quả. Mẹ nhớ chỉ sử dụng kem này khi da bé đã được làm sạch và khô hoàn toàn. 

Mẹ không nên sử dụng phấn rôm vì phấn rôm kết hợp với chất lỏng dễ làm bết dính da bé, làm khó sạch và càng khiến vi khuẩn bám trên da bé dễ dàng hơn.

Thay bỉm cho bé thường xuyên

Phân và nước tiểu bị tích tụ lâu là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi. Như vậy, mẹ nên thay bỉm cho bé thường xuyên để da bé luôn sạch sẽ, khô thoáng. Nếu bé có đi ị, mẹ nên thay rửa ngay để cho vệ sinh.

Mẹ tham khảo thêm bài viết: Mấy tiếng thay bỉm cho bé một lần?

Tránh đóng bỉm cả ngày

tránh đóng bỉm cả ngày
Mẹ nên để cho da bé được thoáng, tránh đóng bỉm cả ngày

Bỉm dù có xịn đến mấy nhưng nếu đóng cả ngày cũng sẽ dễ gây hăm. Mẹ nên dành một số khoảng thời gian cho da bé được tiếp xúc với không khí. Chẳng hạn như sau khi vừa thay bỉm sạch sẽ xong, khi bé vừa tắm xong…

Vệ sinh sạch cho bé mỗi lần thay bỉm

Mẹ nên sử dụng khăn ướt hoặc nước sạch để lau sạch nước tiểu, phân của bé trong mỗi lần thay bỉm. Khi bé đi ị, mẹ nên rửa mông của bé dưới nước sạch thay vì chỉ lau. Ngoài ra, mẹ cần vệ sinh lại cho bé mỗi ngày trong khi bé tắm để vùng da này luôn giữ được độ sạch sẽ, khô thoáng. 

Sau khi rửa sạch, mẹ cần làm khô hoàn toàn da bé trước khi đóng bỉm mới. 

Đổi loại tã nếu bé tiếp tục bị kích ứng

Trong trường hợp đã vệ sinh sạch sẽ và tránh mọi yếu tố khác mà bé vẫn bị hăm, mẹ thử đổi loại bỉm để xem phản ứng của bé. Đôi khi bỉm không hợp da bé cũng dễ khiến bé bị kích ứng, mẩn đỏ.

Khi bé đã sử dụng hợp một loại bỉm, mẹ không nên thay đổi bỉm quá nhiều và quá nhanh để da bé được thích nghi với bỉm.

Kết luận

Hăm tã ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là một chứng viêm da thường gặp, do nhiều yếu tố phức tạp gây nên. Nắm rõ những kiến thức cơ bản được đề cập trong bài, mẹ sẽ tự tin hơn để xử lý vùng da của bé cho nhanh gọn, tránh ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ sinh sản hay sự phát triển thể chất của bé.

Bài viết này có tham khảo các nguồn thông tin chính thống từ:

Viêm da tã lót (Bệnh viện Nhi Trung Ương)

Những điều cần biết về hăm tã (Bệnh viện Nhi Đồng I)

Chọn Chuẩn
 

Chọn Chuẩn là cộng đồng dành cho những người tiêu dùng thông thái. Tại đây, bạn có thể tìm kiếm các sản phẩm chất lượng nhất, phù hợp nhất cho bản thân và gia đình, cũng như các mã giảm giá, khuyến mại siêu hời từ khắp mọi nơi.